+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Đền Đậu

Khám phá Lễ hội Đền Đậu Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Đền Đậu

Nằm ven sông Đuống thuộc phía nam huyện Quế Võ là một vệt các làng cổ, trong đó có Mộ Đạo tên nôm làng “Đậu”. ở đây có ngôi đền cổ được gọi là đền Đậu, là nơi chính đền của 3 tổng 9 làng xã xưa, tương truyền thờ danh tướng có công đánh giặc vào thời Hùng Vương. Cũng từ lâu đời, hội của 9 làng vùng ven sông Đuống này đã trở thành hội vùng nổi tiếng. Theo tục lệ, cứ 3 năm một lần vào các năm (Tý, Mão, Dậu), ngày 16 đến ngày 20 tháng 3 (âm lịch) 9 làng trên lại mở hội chung tại đền Đậu .

Những làng thuộc về hội đền Đậu, xưa thuộc 3 tổng (Mộ Đạo, Đại Toán, Quảng Lãm) và nay thuộc 3 xã (Mộ Đạo, Chi Lăng, Yên Giả) gồm các làng sau: Mộ Đạo, Đức Tái, Đô Đàn, Tập Ninh, Trúc Ổ, Mai Ổ, Trạc Nhiệt, La Miệt, Yên Giả. Trong 9 làng cùng thờ thánh trên thì đền Mộ Đạo là nơi chính đền (anh Cả), 8 làng còn lại được gọi là hàng từ và phân thành 3 “tích”: Tích nhất gồm 3 làng (Mộ Đạo, Trạc Nhiệt, Mai Ổ), tích nhì (Tập Ninh, Đức Tái, Đô Đàn), tích ba (Trúc Ổ, La Miệt, Yên Giả). Những làng trên còn bảo lưu được thần phả sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối ghi chép phản ánh về người được thờ. Căn cứ vào thần tích, sắc phong thì thần được thờ của 9 làng trên là “Bình Thiên hiển đức đại vương” là một danh tướng có công đánh giặc vào thời Hùng Vương 18, thần thường linh ứng phù giúp các triều vua đánh giặc và nhân dân người khang vật thịnh, nên các triều vua đều gia phong mỹ tự và có sắc lệnh cho 9 làng xã nơi đây phải thờ phụng.

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trong chức sắc của 9 làng phải tổ chức họp bàn với nhau. Làng Mộ Đạo có chính đền, thuộc tích nhất, phải chuẩn bị những lễ vật để tế thần tại đền Đậu như: Lễ Tam sinh (lợn, dê, ngỗng trắng), lợn tượng (lợn tạ) và các loại rượu, bánh trái, hoa quả đặc sản của địa phương (rượu Hoàng tửu, bánh đường, chè kho, chè lam, kẹo lạc…). Những làng còn lại, mỗi làng phải lo một lợn tượng để tế thần. Sáng ngày 16 tháng 3, tất cả 9 làng đều phải rước kiệu thần từ đình làng mình đến tập trung tại đền Đậu để tế lễ và mở hội. Đoàn rước kiệu của các làng, vai cờ kiệu là “giai trần” (trai tráng cởi trần, đóng khố), đầy đủ cờ kiệu, tàn lọng, siêu đao, bát bửu, trống chiêng và còn phải có đội “quân cờ”. Đội quân cờ có tướng cờ và quân cờ, mặc trang phục màu đỏ, tướng cờ có lọng che và đội quân cờ này là tượng trưng cho nghĩa binh của thần khi đánh giặc. Khi các đoàn rước của các làng tập trung đông đủ tại đền Đậu, theo thứ tự kiệu của các làng được rước vào đền trong, đền ngoài các quan viên tế của các làng cùng tế. Trong khi tế lễ có hát ca trù để thờ thần. Làng Mộ Đạo là một trong cái nôi của hát ca trù, các nghệ nhân không những tham gia hát thờ, mà còn tham gia hát hội. Lễ hội đền Đậu kéo dài đến ngày 20, sau khi tế “rã đám” thì kiệu thần của làng nào lại được rước về làng ấy.

Trong những ngày lễ hội đền Đậu, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi, giải trí như: Tuồng, chèo, ca trù, đu cây, thi vật, thi dệt vải, nhảy phỗng, bắt vịt, bắt trạch… thu hút hàng ngàn người đến lễ hội.

Lễ hội đền Đậu đã trở thành một nét văn hiến tiêu biểu của xứ Kinh Bắc – Bắc Ninh.