+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội chùa Nhẫm Dương

Khám phá Lễ hội chùa Nhẫm Dương Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội chùa Nhẫm Dương

Lễ hội chùa Nhẫm Dương xưa có tên là Trũng Nhẫm, diễn ra hàng nằm vào các ngày 5, 6 và 7 tháng 3 âm lịch, tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn.

Chùa Nhẫm Dương còn có tên là Thánh Quang Tự. Nhưng do những biến động lịch sử, nhất là những năm chiến tranh ở thế kỷ XX, chùa Thánh Quang đã bị tàn phá. Còn lại là những cây thị có tuổi sáu bảy trăm năm, những viên đá tảng, gạch trang trí hoa văn thời Trần cùng những bia đá, nhất là động Thánh Hoá ở sau chùa cùng bao nhiêu huyền thoại trong dân gian ở cả vùng còn lưu giữ đã thôi thúc nhân dân và phật tự khôi phục chùa Thánh Quang.

Theo văn bia hiện còn lưu giữ ở chùa thì Chùa Thánh Quang Tự là nơi Thánh tổ Thuỷ Nguyệt khai sáng đạo Phật tại đây vào niên hiệu Thiệu Bảo Kỷ Mão nguyên niên thời Trần 1279. Tổ là bậc thiền sư có công đức lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước bấy giờ. Chùa Thánh Quang còn là một tổ đình lớn nổi tiếng của miền Đông Bắc duyên hải. Nơi đây đã xuất hiện nhiều bậc Thiền sư cao tăng thạc đức hoằng pháp lợi sinh hộ quốc an dân như Quốc sư Thánh tổ Thuỷ Nguyệt thời Trần cùng Sư Tổ Cáy đã tu ở động Thánh Hoá; Sư tổ Thuỷ Nguyệt Thông Giác thời Hậu Lê, người đã sáng lập thiền phái Tào Động ở Việt Nam cũng đã từng tu hành ở đây, xung quanh khu vực chùa là một hệ thống hang động kỳ vĩ. Tại hang Thánh Hoá đã phát hiện dấu vết có niên đại Canh Tân cách ngày nay từ 5- 3 vạn năm.

Lễ hội chùa Nhẫm Dương diễn ra trong ba ngày 5, 6 và 7 tháng 3 âm lịch, được tiến hành theo diễn trình như sau:

Ngày 5-3 âm lịch, nhà chùa cúng Nhập tịch gồm trước là cúng phật, sau đó cúng mỗi Phật tổ về. Thời gian cúng khoảng hơn một giờ. Tối 5-3 làm lễ Mộc dục (lễ tắm tượng Thánh tổ). Lễ được tổ chức khá tỉ mỉ. Người được tắm tượng phải là người có tuổi, phải ăn chay 3 ngày, phải tắm rửa tẩy trần và mặc quần áo mới trước khi vào việc. Nước tắm tượng phải là nước giếng chùa. Khăn tắm và lau tượng đều phải mới, tinh khiết. Nước tắm đun ngũ vị hương, chắt ra gạn lấy nước trong, đựng trong thau mới. Mỗi lần tắm như thế phải dùng từ 5 đến 7 thau. Số khăn mặt bằng với số thau. Bã ngũ vị hương sau khi đun nước tắm tổ, dân xúm lại xin mỗi người một chút về nấu lại tắm cho trẻ con hoặc người lớn, rửa mặt. Trước khi tắm, trong lễ mộc dục còn có tục lệ dâng nước cúng. Nước cúng gồm các vị thuốc bắc đem sắc ba nước rồi đổ chung lại cô lấy 3 chén cúng Phật tổ. Bã thuốc được chia cho mọi người về nấu lại uống. Đấy là lộc Thánh ban cho. Trong lúc chùa tắm tượng thì ở bên ngoài sư tiến hành cúng Đàn tràng sái tịnh. Lễ cúng có hoa quả, xôi chè, bánh chưng chay (nhân bánh chỉ có đỗ chứ không có thịt). Thời gian cúng hơn một giờ.

Ngày 6-3 là ngày Lễ chính, ngay từ sáng sớm, mọi nghi thức được chuẩn bị đầy đủ. Dân làng và phật tử xa gần đã có mặt để chứng kiến lễ cúng Phật và cúng Thánh Tổ, sau đó là lễ rước Thánh Tổ. Hoa lễ cúng gồm có: hương hoa quả, nến, bánh chưng, xôi chè và cỗ chay (cỗ có thịt gà, giò chả, nem, cá, ốc, tôm… nhưng đều làm bằng bột đậu nành). Cúng tại chùa xong thì cuộc rước bắt đầu. Đoàn rước gồm cờ thần bát biểu, trống, đoàn nhạc bát âm, long đình, nhang án bày lễ vật, kiệu rước ngai thánh tổ. Đi sau là các đoàn thể và dân làng. Đoàn rước đi từ chùa ra cổng, vòng phía trái đi dọc làng Duyên Linh đến giáp chùa Sanh lại vòng theo tay trái về tới thôn Kim Bào rồi về chùa. Tiếp theo khi đoàn rước đã yên vị là đến việc tế Thánh Tổ. Sau khi đoàn tế của làng và nhà chùa tế xong mới đến các đoàn tế nơi khác.

Ngày 7-3 là ngày Lễ Tất. Đây là lễ kết thúc 3 ngày lễ hội. Việc đầu tiên vẫn là cúng Phật, rồi đến cúng Thánh Tổ. Các sư và phật tử cầu kinh. Hoa lễ vẫn như ngày hôm trước. Tuy vậy ngày lễ tất còn có lễ bố thí bằng cháo hoa, bỏng nẻ. Lễ bố thí làm ở sân chùa. Nhà chùa cho dựng đàn Mông Sơn Thí Thực, thỉnh Phật về phá tù ngục cho các vong linh cô hồn được tới ăn mày cửa phật. Đàn Mông sơn thí thực làm bằng gỗ cao chừng 1,5m, bày đối diện với hương án cúng phật ở cửa chùa. Trên đàn có người đóng giả Phật, làm chủ lễ, mặc áo cà sa đàn, đội mũ thất phật. Hai bên có Kim Đồng, Ngọc Nữ ngồi thấp hơn. Dưới sân là thầy cúng. Lễ nghi vẫn gồm xôi chè, hoa quả, trà, hương đăng. Riêng cháo và nẻ để cúng cô hồn thì bày ở dưới sân. Lễ cúng còn có cả chim, cua, cáy, ốc, cá còn sống và càng nhiều càng tốt. Khi cúng phải đưa lễ từ đàn sang bàn cúng phật, trong lễ lúc này còn thêm hai bát cơm lồng. Việc đưa lễ như vậy là để thỉnh Phật để Phật cho phép. Lễ bố thí phải cúng tối. Khi cúng xong đêm thả tất cả cá, cua, cáy, chim... ra các ao hồ đầm ruộng quanh chùa. Còn cháo, nẻ và hoa lễ đem cho dân. Xong lễ bố thí cũng là kết thúc ba ngày lễ hội. Trong ba ngày lễ ở chùa thì tại sân chùa, cổng chùa và các địa điểm chân núi gần chùa thường tổ chức các trò chơi như chọi gà, kéo co, đánh cờ, đu và hát nhà tơ (ca trù), hát văn, hát múa sênh tiền. Những người đến hát phần lớn là người ở làng khác. Đặc biệt ở gần chùa Nhẫm Dương có hang Yên Ngựa, nơi có truyền thuyết rằng rất nhiều nhà tơ đã đến ở và chết trong hang.