+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội chùa Đông Sơn

Khám phá Lễ hội chùa Đông Sơn Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội chùa Đông Sơn

Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng 2 (Âm lịch), người dân làng Đông Sơn lại tưng bừng mở hội chùa Đông Sơn.

Chùa Đông Sơn có tên chữ là “Chân Khai Tự” thuộc thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh thờ Phật, Lê Văn Giác đại vương (Thành Hoàng làng) và tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên, nhà khoa bảng, nhà giáo, nhà thơ nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Chùa được dựng năm “Dương Đức nhị niên” 1673 và đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Trải qua hàng trăm năm, ngày nay, chùa Đông Sơn có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, bộ khung gỗ và mái ngói cổ kính, là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân Bắc Ninh.

Tục xưa còn lưu truyền lại, cứ vào ngày 10 tháng 2 Âm lịch, dân làng Đông Sơn lại tưng bừng mở hội làng (còn gọi là vào Đám). Từ việc giao cho các Giáp cấy lúa, nuôi lợn làm vật tế lễ lên thần linh đến việc bầu một ông Quan đám để tổ chức công việc cỗ bàn, lựa chọn Quan viên tế cùng với ông trưởng thôn đều được dân làng chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó hàng tháng trời. Theo đó, những người được chọn để làm Quan đám phải là người có gia đình yên ấm, cháu con hiếu thảo, nhà không có tang và trước ngày diễn ra lễ hội phải ăn chay nằm mộng. Lễ vật tế thần gồm có: mâm xôi, lợn cả con, rượu, và lễ xôi gà của các hàng Giáp.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là tục rước bình hương Thành Hoàng làng từ chùa ra đỉnh để tế lễ, khi hết hội lại rước về chùa để an vị. Chính hội là ngày mùng 10 tháng 2 Âm lịch nhưng ngay từ ngày mùng 9 đình và chùa làng đã được mở cửa để làm bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt và rước bình hương của Thành Hoàng làng từ chùa ra “đình xã” (vốn là ngôi đình chung của ba xóm cổ: Đoài, Giữa, Đồng Lĩnh) để tế lễ mở hội. Tục lệ này xuất phát từ truyền thuyết về Thành Hoàng làng-Lê Văn Giác đại vương, xưa kia vốn là một vị quan chức nhưng vì gặp nạn mà ở ẩn tại chùa rồi trở thành sư và hóa tại chùa. Cùng với tục rước bình hương, dân làng còn tổ chức “rước nước” từ giếng cổ cạnh nghẹ chợ Sơn về đình để tế lễ. Ngày mùng 10 chính hội, phần lễ trang nghiêm với các nghi thức tế lễ, dâng lễ vật lên Thành Hoàng theo nghi thức truyền thống. Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống và các trò chơi dân gian như: tuồng, chèo, hát ả đảo, đấu vật, chọi gà …

Qua thời gian, đình Đông Sơn đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, hội chỉ còn được mở tập trung tại chùa Đông Sơn. Dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng dân làng vẫn gìn giữ những nét đẹp văn hóa của lễ hội chùa Đông Sơn. Bởi, không chỉ dừng lại ở một lễ hội đơn thuần mà lễ hội chùa Đông Sơn còn là dịp gắn kết cộng đồng làng xã vào hoạt động tín ngưỡng tâm linh, văn hóa, văn nghệ nhằm gìn giữ và phát huy những vốn quý của dân tộc từ thủa cha ông dựng nước.