+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội chèo cạn, múa bông

Khám phá Lễ hội chèo cạn, múa bông Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội chèo cạn, múa bông

Lễ hội chèo cạn, múa bông thường được tổ chức trong các dịp lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Đặc biệt, đây là một phần không thể thiếu trong Lễ hội Cầu ngư hàng năm của người dân Bảo Ninh.

Lễ hội chèo cạn, múa bông là hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của người dân vùng biển Nhật Lệ nhằm cầu cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Những câu hò xưa cùng với các điệu múa bông, chèo cạn, thể hiện lòng biết ơn đến các vị thần linh vùng sông nước, đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất và hưởng thụ nét văn hóa của cha ông ta từ xưa để lại.

Sau phần lễ với nghi thức cúng thần linh là phần hội, các đội múa đã thể hiện những động tác chèo cạn, múa bông nhịp nhàng, mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của địa phương vùng biển.

Đội chèo cạn do 24 cô gái chưa chồng và hai người một nam, một nữ cái hò (hát chính). Hai người cái hò này mặc áo quần dài, thắt lưng điều, nữ chít khăn màu nguyệt bạch, chân đất; nam mặc áo lụa đỏ dài, đầu chít khăn hồng mỏ diều, chân đi đôi guốc mộc. Các cô gái chèo cạn mặc áo dài màu mỡ gà hoặc màu hoa lý, quần trắng, đầu búi tóc cài trâm đồng có đính bông hoa nhài, tay cầm một cây chèo gỗ sơn màu xanh đỏ dài 1,5m, động tác chèo nhịp nhàng, nhẹ êm theo nhịp hò khoan. Có một đội nhạc sinh nhị, đàn nguyệt, sáo, kèn bầu và trống đại phụ họa cho hò khoan.

Làn điệu hò khoan chèo cạn gồm 5 mái hò: hò mái dài, hò mái ba, hò mái nện, hò kéo lưới và hát khoan. Ở giữa các câu hò, các cô gái chèo cạn đệm hò con gồm các câu: "a xố đi xố...hà" hoặc "ớ là...hố". Nội dung các câu hò thường là cầu trời đất, thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng cho dân đánh bắt hải sản được mùa. Đội ngũ múa bông (múa đèn) gồm 20 thanh niên chưa vợ, sức vóc cường tráng, cân đối đồng đều nhau và do một người điều khiển. Các đội viên mặc đồng phục, quần trắng, áo năm thân màu hồng hoặc đỏ, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn mỏ quạ trắng, hay tay cầm đôi đèn lồng hình chậu tứ giác, trong có đèn nến thắp sáng.

Người điều khiển mặc võ phục, áo chẽn đỏ thắt lưng xanh, đội mũ võ tướng, giữa có thắt hoa hồng vải đỏ, tay cầm đôi đèn lồng hình chậu lục giác. Đội múa bông uy nghi tiến vào sân lăng. Đội trưởng vừa múa đôi đèn vừa đi dẫn đội biểu diễn các đội hình biến hóa rất đẹp như một chiếc thuyền sáng rực trên sông, rồng bay phượng múa. Trong khi đó, tiếng trống thúc giục kèm theo tiếng nhạc réo rắt du dương.