+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Cầu ngư ở Dinh Vạn Thủy Tú

Khám phá Lễ hội Cầu ngư ở Dinh Vạn Thủy Tú Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Cầu ngư ở Dinh Vạn Thủy Tú

Hàng năm, tại Vạn Thủy Tú (Bình Thuận) - nơi trưng bày một bộ xương cốt cá Ông (cá voi) thuộc loại lớn nhất nước - đều tổ chức Lễ hội cầu ngư. Một năm tại đây tổ chức tới 5 lần lễ hội này.Đại lễ cầu ngư chính bắt đầu từ ngày 19 đến 22 tháng sáu âm lịch. Lễ hội thể hiện niềm tin tưởng mãnh liệt của ngư dân Bình Thuận vào sự linh thiêng của cá Ông và họ coi đây là vị Thần cứu trợ luôn ở bên cạnh trong những chuyến biển đầy nguy hiểm.

Khu thờ Dinh Vạn Thủy Tú

Cũng như ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ, tập tục thờ cá Voi của ngư dân Bình Thuận bao hàm nhiều nghi thức lễ, hội hè liên quan đến Ông cũng như chu kỳ mùa màng làm ăn của ngư dân. Ngoài lễ hội Cầu ngư chính mùa được coi là nghi thức chính trong năm, một số nghi thức lễ khác cũng thường xuyên được tổ chức tại vạn hàng năm, tập hợp lại thành hệ thống như: lễ mai táng xác Ông, lễ Thượng ngọc cốt Ông, Lễ Cầu ngư đầu năm (hay goi là lễ tế Xuân) diễn ra trong tháng Hai âm lịch, lễ Hạ nghệ xuống vụ cá Nam (lễ Cầu ngư đầu mùa) diễn ra trong tháng Tư âm lịch, lễ Cầu ngư chính mùa diễn ra trong tháng Sáu âm lịch, Lễ Mãn mùa diễn ra vào tháng Tám âm lịch.

Lễ hội chính thường diễn ra trong vòng 4 ngày 4 đêm,nhưng theo tập tục lâu đời, lễ hội cầu ngư chính mùa ở Vạn Thuỷ Tú theo trình tự thời gian cứ 2 năm cúng mặm liên tiếp thì có 1 năm đáo lệ làm chay, những năm cúng mặn thì thời gian ngắn hơn chỉ diễn ra trong 2 ngày đêm. Từ khi mở đầu đến kết thúc, lễ hội đều theo một chương trình nghiêm ngặt bao gồm nhiều lễ nghi, trong đó đáng chú ý là lễ Nghệ sắc (Ban lâm tế cúng vái thần, đưa sắc phong xuống các hương án, báo cáo lễ tết chính thức bắt đầu và mời các thần về chứng giám). Lễ cúng cá Ông Sanh Thủy Lục diễn ra tại biển phía ngoài cảng Phan Thiết trong 2 giờ. Đoàn chèo Bá Trạo trình diễn lễ cung nghinh thần Nam Hải từ biển khơi xa về. Về đến Vạn tiếp tục hát chèo mời các vị thần vào ngự trong Vạn.

Phần hội diễn ra bên ngoài và trên biển như lễ Nghinh Ông (rước thần Nam Hải) từ biển về, trong đó thời gian chủ yếu là diễn chèo Bá Trạo trên thuyền, trên quãng đường rước từ cửa biển về Vạn Thủy Tú với trang phục đặc sắc của lễ nghi.

Ngoài ra, còn có lễ phóng đăng trên biển, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển, lễ phóng sanh, lễ phá cộ, bao hàm cả hai yếu tố: lễ và hội phối hợp. Trong đó, lễ rước thần Nam Hải là lễ nghi quan trọng nhất mang tính cộng đồng rõ nét, mở đầu cho hàng chục lễ nghi nối tiếp theo. Nội dung của lễ rước thần Nam Hải là lễ chính và là điểm nhấn của lễ cầu ngư. Đoàn rước gồm nhiều người tham gia, trong đó có đoàn lễ, đoàn nhạc lễ, đoàn chèo Bá Trạo, các nhà sư, đủ các loại trang phục… Đặc biệt là hàng chục chiếc thuyền lớn được trang bị cờ quạt và đông đảo người tham gia cùng các điệu hò chèo Ba Trạo diễn ra một giờ để nghinh Thần trên biển gây ấn tượng lớn và xúc cảm cho người xem.

Độc đáo chèo Bá trạo trong lễ hội Cầu ngư

Lễ hội Cầu ngư là nơi lưu giữ trong mình về tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển.