+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Cầu mùa của các dân tộc

Khám phá Lễ hội Cầu mùa của các dân tộc Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Cầu mùa của các dân tộc

Đặc điểm chung Lễ hội cầu mùa ở Lào Cai, đều cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng… Nhưng ở mỗi dân tộc khác nhau trong tỉnh cách thức tổ chức lễ hội rất khác nhau.

Lễ hội Cầu mùa của người Dao Tuyển

Như thông lệ vào ngày tý tháng giêng hằng năm, người dân tộc Dao tuyển thôn Làng My, xã Xuân quang, huyện Bảo Thắng, lại rộn rã tổ chức lễ cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng…

Lễ hội Cầu mùa là một lễ hội của người Dao Tuyển. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao Tuyển, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng.

Trước khi mở hội người già trong bản, phân công là những người có uy tín, người cao tuổi làm bàn thờ cho ngày lễ. Cột bàn thờ được làm bằng bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời có đất có con người, trong có đặt một ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía như muốn cho mọi điều ngon ngọt.

Khi vào lễ, bốn người trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Trên mâm lễ là gà luộc, bánh chưng, bánh mật, tiền vàng mã. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam có nữ vì thế nhất thiết là các con gà trên mâm lễ có cả gà trống, gà mái. Thầy mo đọc bài cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ. Cầu mong mọi sự bình yên, giảm đói nghèo.

Tất cả mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, ném còn. Trong trò chơi ném còn người Dao quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó gặp nhiều may mắn trong năm.

Lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì

Đây là lễ hội lớn của bà con dân tộc Hà Nhì Đen ở vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát thể hiện nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Người Hà Nhì mở hội "Khu rừng già" hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối hè khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh lá, cầu mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất.

Phần Hội trong lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì.

Chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “Á gơ lạ só”. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.

Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu “A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên.

Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng, làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản.

Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ. Gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho mịn đều.

Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “Á gơ lạ só” đều là những gia đình không gặp điều rủi ro trong năm.

Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu “A quý”. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần.

Đến phần hội, thầy cúng chính là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu.

Trong phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A đù lu chế’ là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.

Lễ hội Cầu mùa dân tộc Tày

Phần Hội trong lễ hội Cầu mùa của người Tày

Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Tày được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ dâng cúng của các thôn bản trong xã cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người dân được ấm no hạnh phúc.

Phần hội được tổ chức độc đáo với màn đại dậm thuông của hàng trăm nghệ nhân và diễn viên quần chúng thực hiện. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống như ném pao, ném còn, đá cầu... thu hút được đông đảo du khách và người dân tham dự.

Tuy đây là lễ hội cầu mùa của dân tộc Tày nhưng điều đặc biệt là trong phần lễ có cung kèn của dân tộc Dao và phần hội có nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc khác trong vùng, thể hiện sự đoàn kết giữ các dân tộc.