+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội bơi trải Tứ Yên

Khám phá Lễ hội bơi trải Tứ Yên Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội bơi trải Tứ Yên

Lễ hội bơi trải Tứ Yên được tổ chức tháng 5 âm lịch hàng năm, tại xã Tứ Yên, huyện Sông Lô. Tứ Yên có 4 thôn, mỗi thôn có một chải, mỗi chải có 36 tay chèo, bơi từ bến Yên Lương tới bến Yên Lập lại bơi trở về, dọc đường bơi trên sông đều cắm cờ.

Năm 544, trước sự tấn công của quân Lương, vua Lý Nam Đế đã từ Long Biên (Hà Nội ngày nay) rút lực lượng về xây dựng căn cứ ở miền rừng núi Lập Thạch. Sau đó, Ngài đem quân ra mai phục ở vùng hồ Điển Triệt, tức là hồ Miêng của xã Tứ Yên để giao chiến với quân giặc. Tại đây đã diễn ra trận thủy chiến vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Quân ta do lực lượng còn non yếu nên đã thất bại. Vua Lý Nam Đế phải rút quân về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ) rồi trao binh quyền cho tướng Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương, rồi Ngài mất ở đó

Tuy bị thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa Lý Bí ở thế kỷ thứ VI đã để lại những dấu tích hào hùng trên mảnh đất Tứ Yên, khiến mỗi người dân các thôn Yên Lập, Yên Mỹ, Yên Phú, Yên Lương dù đang lao động, học tập và sinh sống ở đâu cũng luôn cảm thấy tự hào về quê hương, xứ sở của mình. Những cái tên như Rừng Cấm, đồi Ông Ngự, Thành Lĩnh là nơi vua ở; những Phù Giai, Phù Lánh, Phù Yến, Phù Chè, Phù Gầm... là nơi quân ta mai phục; những cái tên nghe dân giã và hoang sơ như Bến Bêu, Đồng Bịch, Cơm Son, hóc Áo trôi, Đồng Quét... vốn có từ rất xa xưa và liên quan đến sự có mặt của vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc, cùng hàng vạn nghĩa quân do Lý Bí chỉ huy, đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt trên vùng đất địa linh nhân kiệt này cách nay một nghìn 500 năm. Tất cả những cái đó đã đi vào máu thịt của mỗi người dân Tứ Yên từ cụ già đến em nhỏ, không ai là không biết đến.

Uống nước nhớ nguồn vốn là truyền thống nghìn đời của dân tộc. Người dân Tứ Yên cách đây 4, 5 trăm năm đã dựng đình miếu để thờ cúng, tưởng nhớ và tôn vinh người anh hùng Lý Bí và thờ vọng Thánh Tản Viên, người có công dựng nước thời đại Hùng Vương. Khi có đình, có miếu thì hàng năm làng tổ chức lễ hội.

Từ đó người dân nơi đây đã truyền tụng nhau câu ca: “Rau gác Hạc bơi, Hạc gác Me bơi, Me gác Đức Bác bơi, Đức Bác gác Dạng bơi”. Rau là thôn Cựu ấp, xã Liên Châu (Yên Lạc); Hạc là phường Bạch Hạc (Việt Trì); Me là xã Yên Lập (Vĩnh Tường); Đức Bác là xã Đức Bác (Lập Thạch); Dạng là xã Tứ Yên (Lập Thạch). Đây là trình tự thời gian thi bơi trải của các địa phương dọc hai dòng sông Hồng và sông Lô.

Bơi trải của các làng ở Tứ Yên được đóng bằng gỗ chò, sơn đỏ. Đầu trải hình đầu chim phượng, thân trải thót dần uốn hình đuôi tôm cong ngược. Trải dài 20,5m, lòng trải chia thành nhiều khoang, chỗ rộng nhất là 1,5m. Mỗi trải có 36 tay giầm, chia thành 18 cặp ngồi hàng ngang. Người bơi trải là những trai tráng khoẻ mạnh được tuyển chọn, ngồi quỳ một chân xuống mạn trải theo tư thế thống nhất, tay cầm dầm đúng chiều. Chuôi dầm sơn đỏ mái dầm sơn trắng, khi bơi phải theo đúng nhịp hò của người hò mõ, tay bơi miệng phụ hoạ theo tiếng hò.

Ngày lễ hội, ngoài việc tế lễ ở đình miếu, còn có hình thức rước kiệu và bơi trải giữa hai làng Yên Lương và Yên Lập vào các ngày 24, 25 tháng Năm.Trước giờ xuất phát các làng sắm lễ vật cúng quan Hà Bá, sau đó bốn chiếc trải dàn hàng ngang dưới sông trước cửa đình chờ hiệu lệnh. Khi nào có hiệu lệnh thì các tay bơi mới được vung giầm, hò reo để cố cho trải mình lao lên trước.

Sau những lần thi bơi trải, người bơi cũng như người xem đều mệt lả, tắt tiếng vì hò reo. Làng nào chiến thắng thì được thưởng, mặc dù thưởng không nhiều nhưng niềm vui và vinh dự thì náo nức trong cả năm, mọi người tin rằng năm đó làng mình sẽ an khang thịnh vượng.

Đây là một cuộc thi tài sức dẻo dai bền bỉ, tinh thần đoàn kết của những đội thuỷ binh, rồi trở thành các cuộc đua tài trí của các làng trong hội thi bơi trải. Đó chính là hình thức khai hạ, mừng nước vốn có từ lâu đời ở vùng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nó đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của những người dân vùng quê quanh năm gắn bó với sông nước.