+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ hội Bơi Đăm

Khám phá Lễ hội Bơi Đăm Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ hội Bơi Đăm

Mọi sự chuẩn bị cho ngày hội được tiến hành từ đầu năm. Ngày mồng 9-3 là ngày mở đầu cho lễ hội. Nghi thức quan trọng nhất của ngày hôm đó là đám rước Thánh từ miếu xuống đình. Sau khi tế lễ ở đình, làm lễ cáo yết ở miếu là rước ngai của Thánh về đình. Đám rước long trọng với đủ lệ bộ và nghi trượng cùng những vị có trọng trách trong ngày hội với đông đảo dân làng. Đám rước đi theo đường làng từ miếu Thượng về đình. Tới đình, kiệu của ngài đặt ở chính ngự ngoài. Sau đó, các tay đô cùng bô lão rước ngai của ngài vào đình và ngự tại đó.

Ngày hội bắt đầu bằng cuộc tế lễ long trọng của hội đồng bô lão trong làng. Mọi nghi thức tế lễ được thực hiện từ chính ngự trong qua quãng sân trước cửa đình vào đến trong đình. Các bước tế lễ của mỗi tuần tế đều bắt đầu từ chính ngự trong vào đình. Trong lúc các bô lão tiến hành tế lễ, trong đình ở hai gian cạnh có trải sẵn chiếu để khách thập phương và bà con dân làng chuẩn bị dâng lễ lên bàn thờ Thánh. Người ra vào nườm nượp với đủ các loại lễ vật…

Một hồi chiêng trống nổi lên, một số trai kiệu cùng các cụ rước ngai thánh từ trong đình ra chính ngự trong. Kiệu đi thẳng từ chính ngự trong qua chính ngự ngoài tới đường làng trước ao đình. Tới trước cửa Thủy đình, kiệu hạ xuống, các trai kiệu cùng các cụ rước kiệu vào đặt tại bệ giữa nhà Thủy tạ, cờ quạt, chấp kích được đặt trước mặt kiệu thánh, hướng mặt ra sông. Một hồi chiêng trống nổi lên, pháo ở nhà Thủy tạ, hai bên bờ sông và trong đình được đốt nổ giòn giã báo hiệu ngài đã an vị.
Hiệu lệnh chuẩn bị đua thuyền là khi tiếng chiêng, trống và tiếng pháo nổ giòn giã lúc kiệu thánh đã an vị ở Thủy tạ. Các thuyền đua ở các ngả từ từ tiến vào gần Thủy tạ trong tiếng reo hò vang dậy của người dân 3 thôn cổ vũ cho thuyền đua làng mình.

Ba thôn Thượng, Trung Hạ, mỗi thôn có hai thuyền đua. Xưa có thêm một thuyền thứ 7 gọi là thuyền quan. Thuyền quan không đua mà chỉ làm nhiệm vụ bơi theo quan sát cuộc đua. Thuyền đua dài tới 15 m gồm 18 trai bơi và 6 người khác là ông lái (người lái thuyền), ông dô (người bắt nhịp, chỉ huy), ông phất cờ, ông phất cờ, ông cầm lạng (người cầm sào, một đầu có móc sắt hình chữ U để chống và đẩy thuyền khi thuyền sát vào thuyền khác), một người tát nước và một trọng tài có nhiệm vụ chỉ huy ngồi theo dõi các trai bơi và những người trong thuyền không được vi phạm các luật lệ quy định. Trai bơi được chọn trong độ tuổi từ 20-35 có kinh nghiệm và khỏe mạnh. Mỗi cuộc đua được tiến hành qua 6 vòng. Sáng ngày 10-3 bơi hai vòng, chiều một vòng. Ngày 11-3 bơi ba vòng và kết thúc hội bơi, trao giải. Thuyền được giải có vinh dự chở ngai của Thánh từ Thủy tạ về miếu Thượng. Khác với các lễ hội bơi chải khác, ở Lễ hội bơi Đăm công tác tuyển chọn khá khắt khe: các tay bơi phải có độ tuổi 29-35, mạnh khỏe, tư cách đạo đức tốt. Trai bơi sẽ được nhân dân đóng góp trong xã nuôi ăn trong 20 ngày trước lễ hội. Hội bơi Đăm được tổ chức trên dòng sông Nhuệ đoạn chảy qua xã Tây Tựu. Trước đó, hai bên bờ sông được thực hiện tổng vệ sinh, giải phóng các hàng quán trái phép hai bên bờ, khai thông dòng chảy. Đồng thời, trong những ngày diễn ra đua thuyền, trên mặt đất diễn ra những trò thả chim, thi cờ người, chọi gà.

Lễ hội bơi Đăm truyền thống nhằm phát huy những truyền thống tốt đẹp, lâu đời chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, bảo vệ đất nước, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng dân tộc, các thế hệ cha ông, những người có công với nước với dân, kế thừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa lịch sử truyền thống, trong sáng và quý giá, giáo dục con người phát huy những bản chất tốt đẹp, uống nước nhớ nguồn, sống thủy chung, tình nghĩa. Lễ hội được tổ chức là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ, thắt chặt tình đoàn kết tôn vinh màu sắc làng hoa Tây Tựu trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.