+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ cúng thần rừng của người Pu péo

Khám phá Lễ cúng thần rừng của người Pu péo Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ cúng thần rừng của người Pu péo

Người Pu Péo là tộc người chỉ sinh sống ở tỉnh Hà Giang và sống tập trung nhất ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Tuy dân số không đông nhưng có bản sắc dân tộc đa dạng và bảo lưu được nhiều truyền thống tốt đẹp.Trong năm, ngoài tết đầu năm mới, thì Lễ cúng rừng là quan trọng nhất đối với người Pu Péo, dù đi đâu, làm gì con cháu cũng nhớ ngày 6-6 âm lịch hàng năm về xum họp với gia đình, bản làng trong lễ cũng.

Buổi lễ diễn ra ở rừng cấm - rừng thiêng đầu bản, ông thầy cúng kính cẩn thay mặt bà con úp mặt vào một thân cây lớn, quỳ lạy bốn phương trời tám phương đất hai hồi, mỗi hồi ba lần để mong thần rừng, thần nước che chở cho bản làng. Người Pu Péo luôn hiểu rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần nước là cầu thần rừng!? Cho nên, ngày Tết, trai gái ở bản Pu Péo mới nô nức kéo nhau ra suối gánh nước vàng nước bạc về nhà cầu may.

Đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao. Những vuông cơm tẻ giã nhuyễn, nặn thành bánh, xắt khúc được bày biện cẩn thận trong những cái nong tròn. Nhiều miếng cơm được xếp thành hàng thành lối trên lá chuối tươi, (mỗi nắm cơm tượng trưng cho một vị thần, người Pu Péo theo tín ngưỡng đa thần, thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Suối, thần Gió…) Trên mỗi nắm cơm là một mẩu trứng gà luộc (quả trứng luộc, bóc vỏ, sau đó xắt ra). Dưới chân bàn thờ làm bằng trúc tươi, lót lá chuối tươi xanh có buộc hai con gà vẫn còn sống nguyên, mỗi con gà buộc dây, dây cắm vào một cái cọc. Xung quanh là bình rượu và những cái chén. Cách bàn thờ một chút, là một cái cọc khác, có buộc một con dê cái vẫn sống, lông màu đen.

Lễ cúng kéo dài vài tiếng đồng hồ, thầy cúng cầm một cành trúc tươi, còn nguyên cả lá, khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ. Có lúc tay lại cầm một quả bẩu khô. Bài cúng, có thể hiện sự thành kính của con người xướng lên trước thần rừng Thần Trời, thần Đất, thần Rừng mời họ về chứng kiến lễ cúng, hưởng thịt gà, thịt dê và phù hộ cho con người khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Cầu cho rừng ngày một xanh tốt chở che cho con người. Bà con trong thôn xin thề trước thần Rừng, sẽ giữ gìn rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng thì sẽ bị thần Rừng trừng phạt. Rừng tốt tươi, trời đất giao hoà, bảo hộ cho cuộc sống của bà con Củng Chá. Mưa không gây lũ, nắng không gây hẹn, bão gió sấm sét không đánh chết người

Lễ cúng chia làm ba giai đoạn, đoạn đầu cả con gà và con dê cái còn sống nguyên; đoạn hai, chúng đã bị đám thanh niên cắt tiết; và cuối cùng là phần liên hoan kết thúc buổi lễ, mọi người cùng ăn uống tại địa điểm cúng luôn. Những nhà nào không tham dự, cũng được chia phần, khắc có người mang về tận nhà. Những người có mặt phải ăn hết thịt, uống hết rượu ngay tại bãi cỏ xanh bìa rừng để cầu may mắn.

Suốt cuộc đời người Pu Péo gắn với rừng. Bà con quan niệm rất rõ, họ chỉ cúng tiên 5 đời trở lại trong nhà mình; còn tổ tiên trước 5 đời, các vị thường ở trong Rừng, ngụ tại các gốc cây đa to. Cho nên, tín ngưỡng thời giữ rừng, cúng rừng, với người Pu Péo, cũng chính là cúng tổ tiên

Trong thời gian một ngày, với không khí tưng bừng, đoàn kết của các dân tộc trong xã, phần lễ đã được các nghệ nhân dân gian dân tộc Pu Péo thực hiện nghiêm túc, đảm bảo những yêu cầu cơ bản theo phong tục tập quán truyền thống của Lễ cúng thần rừng. Phần hội được toàn thể nhân dân trong xã tham gia hưởng ứng sôi nổi. Với những nội dung thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đánh yến, chơi “ào”, nhảy cóc đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc trong xã tham gia. Ngoài ra, còn có chương trình múa hát các làn điệu dân ca, hát đối đáp, giao duyên được các nghệ nhân dân gian của xã trình bày, thể hiện được cuộc sống hàng ngày của bà con dân tộc Pu Péo