+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ cúng thần lúa của người Châu-ro (lễ sa yang-va)

Khám phá Lễ cúng thần lúa của người Châu-ro (lễ sa yang-va) Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ cúng thần lúa của người Châu-ro (lễ sa yang-va)

Người Châu-ro được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Ph’nôông, Ro, Tô, Xôp, Dơro… Đồng bào tự gọi là Chrau Jro (Chrau: người, Jro: tên bộ tộc). Theo số liệu thống kê năm 1999, dân số người Châu ro là xếp thứ 5 trong số 40 dân tộc đang sinh sống ở Đồng Nai. Lễ Sa Yang-va là lễ hội truyền thống của người Châu ro hằng năm vẫn còn nhiều nét đặc sắc, phản ánh nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy du canh, phụ thuộc thiên nhiên sâu sắc. Lễ hội cúng Yang-va.diễn ra trong tháng 3 đó là thời gian họ đã thu hoạch xong, chuẩn bị tỉa hạt.

Trước kia, người Châu ro còn ở nhà dài. Căn nhà có khi dài năm bảy chục mét chứa số cư dân tương đương vài chục hộ nhỏ một ấp, có một già làng đứng đầu, thì lễ cúng Yang-va mang tính tập thể kéo dài khoảng 1 tuần liền. Nay nhà dài không còn, từng hộ lần lượt cúng thì lễ hội này ở mỗi ấp có thể kéo dài cả tháng, nhưng cũng chỉ trong tháng 3.

Rượu ịt (rượu quảng - một thứ rượu cần) được đồng bào làm trước cả tháng. Gạo lứt nấu chín, trải ra đệm bàng cho nguội. Men làm bằng một số lá rừng trộn vỏ cây bình linh giã nát với bột gạo nặn thành viên. Vò rượu ịt to cỡ thùng gánh nước trở lên được rải lớp trấu sạch mỏng ở đáy, cơm trộn men theo tỷ lệ nhất định được đổ vào. Miệng vò gài vỉ, rồi người ta úp ngược vò xuống đất ba ngày đêm. Sau đó vỉ được mở ra, phủ lớp trấu sạch mỏng lên trên cùng và bịt miệng vò. Nếu cơm khô, một tháng sau rượu ngấm; cơm nhão chỉ 25 ngày đã được rượu. Chủ nhà chiết ra một chai rượu cốt để cúng, sau đó đổ thêm nước lã đầy vò. Lúc uống, người ta dùng cần dài mà hút. Rượu vơi thì châm thêm nước cho đầy. Rượu ịt có màu đục lờ lờ, ngai ngái mùi lá tươi, là thứ nước lên men nhẹ (uống nhiều cũng say)

Trước ngày cúng Yang-va, chủ nhà sách chai rượu ịt đi mời họ hàng, bạn bè chòm xóm. Khách đến dự đều chuẩn bị một chai rượu, có thể là rượu đế và phong bao tiền, tùy hảo tâm.

Vào ngày cúng Yang-va, mọi thứ đều phải được chuẩn bị sẵn từ trước. Thông thường chủ nhà nhờ họ hàng, bạn bè làm giúp như dựng cây nêu, làm các loại bánh cúng (bánh dày, bánh nếp, cơm lam…), trang hoàng bàn thờ Yang… Người ta lấy hai cây tre non vót thành bông ở đầu cây - tượng trưng cho bông lúa. Đỉnh bông trải lớp tro để đốt trầm hoặc nhang thơm. Một cây dựng ở bàn thờ, một cây đặt ở kho lúa. Bàn thờ Yang rất đơn sơ, đặt dăm mâm cúng, mỗi mâm đều có thịt gà, bánh, rượu, miếng thịt heo sống

Riêng mâm hứa trả vụ tới không có thịt gà mà có 15 cọng tre, mỗi cọng xâu 7 miếng tim, gan, lòng… đặt quanh miếng thịt heo sống.

Người gọi Yang đọc lời khấn trong buổi cúng theo truyền thống là Bà Búp hoặc Thầy Chang nhưng vài mươi năm trở lại đây là người chủ gia đình, người được tôn trọng trong dòng họ, thân tộc. Vào sáng sớm ngày cúng Yang-va, trong khi người nhà và họ hàng chuẩn bị lễ vật cúng thì bà chủ nhà đeo gùi, mang theo bầu nước và chà gạt vào rẫy, thực hiện nghi thức “rước hồn lúa”. Lễ vật sau khi thực hiện nghi thức “rước hồn lúa” gồm có 02 cây mía, 02 cây chuốc non, các bông lúa nhiều hạt và sau khi đưa về nhà được chia làm hai phần: một để ở bàn thờ Yang-va, một đặt vào trong kho lúa.

Lễ cúng Yang-va thường bắt đầu vào lúc 10 giờ, làm lễ ba lần:- Lần đầu, chủ nhà đọc lời thỉnh Yang và ông bà tổ tiên về chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
- Lần thứ hai khấn trả lễ mùa trước và cầu mong mùa vụ tới

ang và ông bà cho được mùa thì sẽ trả lễ to.

- Lần thứ ba tổ chức cúng ngoài kho lúa.

Bài khấn hứa của chủ nhà có tiết tấu nhịp nhàng, nội dung lời khấn ở trong nhà và kho lúa không khác nhau nhiều. Ở kho lúa chú trọng đến Yang lúa nhiều hơn các Yang khác. Lễ cúng diễn ra trong tiếng đàn cồng chiêng bảy chiếc, đánh theo nhịp điệu lúc khoan thai, lúc dồn dập. Đồng bào cho rằng phải có tiếng nhạc cụ, cồng chiêng rộn ràng thì ông bà tổ tiên và các Yang mới vui vẻ về dự và chứng giám lễ cúng.

Khi cúng Yang ở kho lúa cũng là kết thúc nghi lễ cúng Yang-va. Gia chủ mời khách lên nhà chính. Lễ vật, thức ăn làm cho ngày cúng Yang được dọn ra đãi khách. Mở đầu cuộc vui, vò rượu cần được khai mở và người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình được mời uống trước vì là tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà cửa, chịu đựng nhiều khó khăn, lo lắng trong gia đình… Trong khi cùng chúng vui uống rượu cần, mọi người đều vui vẻ, ca hát những bài hát của dân tộc mình theo tiếng đàn tre, kèn lúa, cồng chiêng ngân vang.

Đêm xuống, tại khoảng sân rộng trước nhà gia chủ, đồng bào tụ tập xung quanh bếp lửa cùng nhau ca hát, nhảy múa, biểu diễn nhạc cụ… Gia chủ cũng chuẩn bị sẵn rượu cần để mời khách. Họ vui chơi cho đến khi bếp lửa tàn, thường là nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn lễ hội cúng Yang-va.