+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Lễ cúng đình Kỳ an - Xuân tế

Khám phá Lễ cúng đình Kỳ an - Xuân tế Việt Nam

.

Nét đẹp Lễ cúng đình Kỳ an - Xuân tế

Lễ cúng đình Kỳ an - Xuân tế được tổ chức vào các ngày 15 và 16/2 âm lịch hàng năm, tại đình làng Chấp Lễ, xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa. Lễ Kỳ an, hay còn gọi là Lễ cúng đình ở làng, ngươi dân đến đây đều mang trong lòng nguyện ý cầu mong mưa thuận, gió hòa, quốc gia thái bình, muôn dân an lạc... Đây thực sự là nhu cầu của con người, là niềm an ủi, sự nâng đỡ về tâm lý... không chỉ là nét đẹp về văn hóa tâm linh của người dân Khánh Hòa mà còn là nét nổi trội về bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Lễ cúng đình Kỳ an - Xuân tế diễn ra như sau:

Chấp Lễ khởi đầu bằng cảnh rước sắc phong từ nhà thờ Tiền hiền về đình làng (lúc 15 giờ ngày 15 tháng 2 âm lịch).

* Lễ Thượng hương: Mở đầu cảnh rước sắc phong là lễ Thượng hương. Sau 3 hồi 9 tiếng chinh, cổ là nhạc tế. Giữa nền nhạc bát âm, đội lân vào chầu phục trước long đình và điện thờ thần... Bốn sắc phong được vị chánh tế lần lượt mở ra để thỉnh nhập long đình giữa hai hàng cờ ngũ sắc và thập bát ban binh khí ứng chầu.

Trong bốn sắc phong thì có ba sắc phong của các triều vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân phong tước hiệu cho Thành hoàng làng là "Đại Càn Quốc gia Nam Hái Tứ vị tôn thần " và một sắc phong triều Khải Định phong Bà Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi tước hiệu "Hồng Nhân phổ tế Linh ứng Tôn thần".

Dưới nền nhạc của bài Bá lệnh, kiệu rước long đình theo hướng hương lộ, qua chợ làng, tiến thẳng về đình - nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi sẽ diễn ra lễ Tế chánh. Tại đình làng, bốn sắc phong thần được vị chủ tế thỉnh nhập điện thờ thần. Sau đó, chuyển sang lễ cúng cô hồn...

* Lễ cúng cô hồn ở đình làng Chấp Lễ diễn ra lúc 18 giờ ngày 15 tháng 2 âm lịch. Tại miếu Cô Hồn - bên tả của đình làng và tách rời với điện thờ Thần. Văn tế của lễ cúng cô hồn ở các đình làng rất giống với Văn tế của lễ Tống Na trong lễ Cầu Ngư của cư dân vùng biển. Văn tế cô hồn thật là lâm ly, bi thiết, xót thương cho những vong hồn đã về nơi chín suối nhưng cõi nhân gian không có ai cúng tế, phụng thờ.

* Lễ Tỉnh sanh - Túc yết diễn ra vào lúc 0 giờ 1 phút ngày 16 tháng 2 âm lịch. Sau khi khởi chinh, cổ, trong nền nhạc lễ, vị Chánh tế làm lễ tế cáo trời đất dâng hương, dâng rượu tại hương án được đặt trước sân đình... Vật phẩm hiến tế của lễ Tỉnh sanh trong lễ cúng đình ngoài hương, đăng, trà, quả, rượu còn có heo và con heo ấy phải là loại heo toàn sắc, toàn sinh (tức là - loại heo một màu, và tế sống nguyên con). Sau khi heo bị thọc tiết và được đưa đi cạo lông, người chấp sự dâng một tuần nhang lễ tạ Tỉnh sanh. Ba lá vàng được đốt lên báo hiệu lễ Tỉnh sanh đã hoàn tất. Sau đó, chuyển qua lễ Tế Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi tại Miếu thờ Bà bên hữu đình làng...

Trong các sắc thần do các triều vua nhà Nguyễn phong tặng thường chép là Thiên-Y-A-Na Diễn Ngọ Phi. Ngoài đời, thường gọi là Thiêt Y A Na. Nhà Nguyễn trung hưng ngay buổi đầu đã phong tặng: Hồng nhân phổ tế Linh ứng Thượng đẳng Thần. Các vua đời sau đời nào cũng có sắc phong tặng.

* Lễ tế Bà Thiên Y A Na vào lúc 1 giờ sáng ngày 16 tháng 2 âm lịch. Sau 3 hồi chín tiếng chinh, cổ lệnh, Ban tế tựu vị. Hai bên là 12 khóa sinh tay cầm cờ ngũ hành đứng hầu trước miếu. Trong nền nhạc bát âm, vị chánh tế thực hiện nghi thức hành sơ hiến lễ, tấn tửu, và đọc chúc văn.

* Lễ Tế chánh diễn ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 16 tháng 2 âm lịch. Lúc này, cả bốn sắc phong thần đều được thỉnh nhập điện thờ. Hai hàng lễ sinh tay cầm cờ ngũ sắc đứng hầu nơi sân điện. Dân chúng trong làng đứng chật cả sân đình, tất cả đều giữ thái độ trang nghiêm. Đây là thời khắc giao cảm giữa thần linh và con người; giữa thế giới siêu nhiên và con người trần thế mà cầu nối của sự giao cảm ấy chính là các nghi thức tế lễ và Ban tế lễ.

Ba hồi chín tiếng chiêng, trống vang rền nội điện giữa canh khuya, khiến không khí càng thêm huyền ảo. Trong nền nhạc lễ, chánh tế, bồi tế tựu vị. Bốn lễ sinh hai tay nâng ngọn hoa đăng từng bước nhập điện thờ thần làm lễ thượng hương, tấn tửu. Nghi lễ này được gọi là Đi Điện. Sau phần thượng hương, nghênh thần, cúc cung bái lạy là đến đọc chúc văn.

* Lễ Thứ diễn ra ngay sau lễ Chánh. Lễ Thứ là lễ hát cúng đình, dâng thần linh. Trong đó, Tôn vương là phần hát quan trọng trong lễ cúng đình Kỳ an - Xuân tế Vì vậy, những người đang có tang chế không được dự lễ này. Lễ Tôn vương bao giờ cũng có múa tứ linh gồm: Lân, Cọp, Rồng, ông Địa. Điệu múa tứ linh vừa nhộn nhịp, tươi vui vừa thêm phần hài hước như muốn mang đến cho dân làng một năm mới an khang, thịnh vượng. Sau điện múa tứ linh là "múa Quỳnh tương" chúc rượu. Điệu múa là sự bày tỏ lòng thành kính của dân làng đối với các bậc tôn thần qua những động tác rót rượu, dâng rượu lên án thờ được đặt trước cửa đình.

Sau cùng là cảnh đăng quang, kế vị của vua trẻ rồi chuyển sang phần ca múa đón chào cuộc đời mới đang đến với những điều tốt đẹp.

* Lễ Hồi sắc phong thần diễn ra lúc 6 giờ ngày 16 tháng 2 âm lịch. Nghi thức hành lễ của lễ hồi sắc không khác với nghi thức của lễ rước sắc. Vẫn là khởi chinh, cổ và khởi nhạc lễ Ban tế lễ thượng hương, nghênh sắc nhập long đình và sau đó khởi kiệu. Đoàn người hồi sắc từ trình làng về nhà thờ Tiền hiền, dẫn đầu vẫn là Đội múa lân, sau đó là Đội cờ ngũ sắc và thập bát ban binh khí hộ tống Long đình...

* Lễ Tiền hiền: Sau khi các sắc phong đã yên vị trên án thờ, Ban tế lễ chuyển sang Lễ Tiền hiền vào lúc 7 giờ ngày 16 tháng 2 âm lịch. Các vị chủ tế, bồi tế, thầy lễ và lễ sinh tiến hành một khóa lễ. Sau đó, dàn nhạc bát âm ngừng tấu. âm thanh nhạc lễ lắng dần, sân đình bỗng vỡ òa trong sự náo nức, thôi thúc của tiếng trống hội làng...

Phần Hội: Các trò chơi dân gian như: Thi hát dân ca bài chòi, hát bội, thi đấu cờ tướng, kéo dây, đập ấm, chọi gà không chỉ là những trò vui chơi, giải trí mà thông qua lễ hội nhằm giáo dục các thế hệ, các dòng tộc quần cư trong thôn xóm thấm sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tương thân, tương ái...