+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú

Khám phá Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú Việt Nam

.

Nét đẹp Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú

Người Khơ Mú gọi hội mừng mưa rơi của dân tộc mình là lễ hội “Om đin om đang”, tức lễ hội mừng nước hay hội mừng mùa măng mọc. Theo các cụ già ở bản Pá Bon, xã Mường Luân, Điện Biên Đông, gọi như vậy bởi mở đầu phần hội bao giờ cũng là điệu múa “Om đin om đang”. Hội mừng mưa rơi được tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch, trước hoặc sau những cơn mưa đầu mùa.Trong lễ hội, người ta hát những bài ca mừng nương rẫy khi được đón những cơn mưa đầu mùa. Lễ hội thường được tổ chức trên nhà sàn và thầy cúng là người chủ trì phần lễ.

Để chuẩn bị cho lễ hội, người trong bản ốp bẹ chuối vào cột nhà để làm cây hoa chủ. Cây hoa chủ gồm 3 – 5 lớp. Các lớp cành đều treo hình chim, thú, hoa quả được đan bằng lạt giang hoặc mua ở các chợ. Bàn thờ cúng thần linh được đặt ngay dưới cây hoa. Trên bàn thờ bày các lễ vật gồm: đĩa gà luộc, bánh chưng, bánh dày, xôi nhuộm phẩm đỏ, trứng, mía, gạo, muối... Tiếp đến, thầy cúng mặc trang phục dân tộc gồm: áo đen, chít khăn đen, thắt lưng đỏ (ngày nay chỉ còn mặc áo đen) đọc lời cầu cho người trong bản có sức khoẻ tốt, gặp nhiều may mắn; cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi chim thú phá hoại mùa màng... Vừa đọc lời cúng, thầy vừa lấy nhúm gạo, muối, rượu tung ra xung quanh và thả xuống sàn.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú. Từ lễ hội mừng mưa rơi, nhiều lời ca của dân tộc Khơ Mú đã được các nhạc sỹ chép lại, phổ biến rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.