+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Hội làng Đại Lan

Khám phá Hội làng Đại Lan Việt Nam

.

Nét đẹp Hội làng Đại Lan

Làng Đại Lan thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đại Lan thờ ba vị thần: Linh Hồ, Minh Chiêu và Chà Mục, là các danh tướng đời vua Hùng thứ 17. Đã thành lệ từ lâu, hàng năm hội làng Đại Lan diễn ra vào ba ngày mồng 6, mồng 7 (chính hội) và mồng 8 tháng Giêng tại khu vực đình làng Đại Lan.

Việc sắp sửa cho hội làng bắt đầu từ nửa tháng trước đó. Chiều 23 tháng Chạp, làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về đình. Đi đầu có tuần đinh rúc tù và dẹp đường, kế đến là cờ, đội bát âm và kiệu nước. Bên trên kiệu nước đặt chóe sứ. Đi sau kiệu có các cụ ông. Đến bờ sông, đoàn rước dừng lại ở miếu Hà Bá. Sau khi làm lễ tại miếu, chóe được chuyển xuống thuyền. Khi con thuyền ra đến giữa sông, cụ Tiên chỉ trịnh trọng múc từng gáo nước vào chóe rồi sau đó rước về đình. Buổi chiều, nước trong chóe được dùng để bao sái ngai, bài vị của thần. Phục vụ cho việc mộc dục triều y (lau rửa ngai thờ và phong mũ, áo), làng chọn ba cụ song toàn. Các cụ tắm gội từ hôm trước. Nửa đêm 23, tại hậu cung, chỉ ba cụ được vào vấn đổi mã. Mã gồm mũ, áo, hia, đai đem phong lên ba ngai thờ. Sáng mồng 4 Tết, các bộ mã này được đem hóa.

Sáng mồng 6, trước khi bước vào ngày hội đầu tiên, các ngai thờ mới phong mũ, áo, hia thật. Trong khi đó, có hai đoàn rước cũng chuẩn bị xuất phát từ đình. Một đoàn do bốn trai làng khênh kiệu long đình ra nghè rước bát hương. Khi đoàn rước này đi từ nghè trở về đình, đến cửa đền Đức thánh Bà thì dừng lại. Tại đây, những người trong Hội Tư văn, trang phục áo the khăn xếp, thắt lưng đỏ, khênh kiệu bát cống rước Đức thánh Bà nhập đoàn về đình. Kiệu Đức thánh Bà đi trước, kiệu long đình đi sau. Buổi chiều mồng 6, tại đình diễn ra lễ tế hội đồng.
Trong năm, vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thần, làng đều tổ chức tế lễ, nhưng chỉ vào chiều ngày mồng 6 mới có lễ rước văn. Văn tế được dân làng giao cho một vị cao niên viết. Người ấy phải là người viết chữ đẹp, phẩm hạnh tốt. Ở Đại Lan, việc này thường do Tiên chỉ đảm nhiệm. Đúng giờ đã định, làng đem long đình, cờ quạt, tài tử đồng văn và một chức sắc đội mũ, mặc áo thụng, đến nhà người viết văn tế để rước bản văn. Người viết văn cũng phải đội mũ, mặc áo thụng đi sau long đình. Cũng có năm, nghi lễ rước văn tổ chức đơn giản hơn. Trong đội hình rước không có kiệu long đình. Người viết văn, mặc áo the khăn xếp, hai tay bê hộp sơn son thếp vàng, bên trong có đặt bản văn tế.

Lễ vật trong các kỳ tế lễ ở làng có hương hoa, oản quả, xôi, thịt lợn, thịt gà. Đặc biệt, trong ngày hội làng có cá lăng và gỏi cá lăng. Đoạn sông Hồng chảy qua Đại Lan nước sâu, dòng chảy xiết. Trước đây, tại khúc này thường xuất hiện loại cá lăng thịt nạc hồng, chỉ sinh sống ở vùng sóng cả. Tương truyền, khi thân mẫu vị thần làng có mang, bà thích ăn gỏi cá lăng, vì thế trong bài văn tế ngày kỵ thần có câu: “Khải thánh chi tư, đàn tư chi kính, dụng thân nghi khổn chi thành” (Nhớ đức thánh mở mang, kính dâng lễ cá để tỏ lòng thành).

Hằng năm, trước ngày vào hội, muốn có cá lăng to để làm cỗ thánh, người ở ba giáp đăng cai phải đặt vạn chài đánh bắt. Cá được dòng theo thuyền để giữ cho sống nguyên. Chiều mồng 6, các giáp mới chuyển cá ra lễ trình ở đình. Cá đặt trên án thư, buộc ngang thân bằng vải đỏ. Lễ trình xong, cá của giáp nào đem về nhà trưởng của giáp ấy làm cỗ. Cá được pha lọc kỹ càng. Thịt cá thái miếng đều đặn. Một số dùng làm gỏi, số còn lại ướp với nghệ rồi đun chín, gắp vào đĩa, rắc riềng giã nhỏ lên trên. Vây, xương, thủ cá đem băm nhỏ và vê thành những viên đều nhau. Lòng cá nấu với rau cần. Rau cần múc ra bát chiết yêu, mỗi bát đặt sáu viên cá. Những công đoạn được tiến hành cẩn thận, chu đáo. Sáng sớm ngày mồng 7, lễ cá đặt vào mâm thùng có chân, sơn son thếp vàng. Ban khánh tiết của làng cử phường bát âm tới nhà đăng cai làm cỗ, rước lễ cá ra đình. Mâm thùng được hai trai đinh khiêng. Những người này mặc áo the khăn xếp, thắt lưng đỏ. Phía trên mỗi mâm cỗ đều có lọng che.

Trong ba ngày hội, trên sân đình có tổ chức thi vật, đánh gậy, múa roi. Sáng mồng 7, làng chọn hai cụ già vợ chồng song toàn vào vật thờ, các đô dự giải vào vật sau. Trước khi vào cuộc đấu, các đô vào trình nghệ theo cách ba ra ba vào. Hai đô tiến vào phía trước cửa đình, bắt tay và đi vài miếng cơ bản tỏ rõ tài nghệ của mình. Làng quy định, đấu vật chỉ có giải lèo và giải nhất. Khi thi đấu cấm kẹp cá, móc cổ, cài hàm, bấm huyệt. Các miếng chính để các đô trổ tài là gồng, sườn trái, sườn phải, bốc một, bốc đôi, đánh bò. Trước đây, Đại Lan có ông Ốc, ông Tư Viết, ông Ba Đức, ông Ba Nhì là những đô vật nổi tiếng của một thời. Riêng ông Hai Phả có miếng mói gót độc đáo. Cuộc đấu đương vào lúc cao trào, khi hai đô đương bắt tay tư, ông giật tay mói gót đột ngột làm đối phương lật ngửa trắng bụng.

Theo thần tích, vị thần làng có sở trường đánh gậy dài. Khi ra trận, một mình một gậy, tả xung hữu đột, ngài có thể đánh thắng hàng trăm quân giặc. Có lẽ từ tích ấy mà trong ngày hội hằng năm không thể thiếu môn đánh gậy. Đánh gậy để tưởng nhớ công lao các vị thần, đồng thời cũng để rèn sức, rèn trí giữ yên xóm làng. Khi thi đấu người ta dùng gậy dài bảy thước (2,8m). Người vào đua tài mặc quần áo nâu, thắt lưng đỏ. Những người muốn vào dự thi đấu, từng cặp một phải đăng ký với ban tổ chức, đến lượt, từng cặp ra múa trình nghề. Trong khi thi đấu, cấm đánh vào thượng diện và trung bộ. Khi đối phương bị đánh trúng, nhưng người cầm trịch chưa kịp hồi chầu, đối phương bồi lại trúng ngay thì hòa.

Hội làng Đại Lan thể hiện truyền thống thượng võ. Các tay chơi từ Yên Mỹ, Yên Duyên (Thanh Trì), từ các làng Trung Quan, Chử Xá (Gia Lâm) đều tìm đến đua tài. Ngày nay, ở làng có ông Tạc, ông Uyên, ông Liên, ông Thụ, ông Hà đều là những người thuộc các bài siêu hoa, siêu cổ, bài côn, chấp thủ…