+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Hội Dồi Bòng

Khám phá Hội Dồi Bòng Việt Nam

.

Nét đẹp Hội Dồi Bòng

Hội Dồi Bòng được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, tại xã An Hải, huyện Lý Sơn. Đây là một trò diễn dân gian tiêu biểu trong Lễ hội đình làng An Hải.

Trong tâm thức người làng An Hải, vẫn luôn nhớ về ngày hội qua câu ca “Mùng bốn có hội đua ghe / Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”, thể hiện một nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh không thể thiếu được trong những ngày tết đầu năm.

Hội dồi bòng của người dân làng An Hải có từ xa xưa, thông qua hình thức sinh hoạt lễ hội có thể thấy đây là một trong những loại hình sinh hoạt văn hoá của cư dân nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ, đã theo chân người Việt trong quá trình di cư vào Quảng Ngãi, ra đảo Lý Sơn (đầu thế kỷ XVII) và được nhân dân làng An Hải tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm sau khi kết thúc hội đua thuyền truyền thống đầu năm của làng. Hội dồi bòng kết thúc cũng đồng nghĩa với kết thúc những lễ hội mùa xuân được tổ chức tại đình để nhân dân bắt tay vào một năm mới với những niềm tin và hy vọng mới sau khi giành thắng lợi tại hội dồi bòng.

Không gian diễn ra lễ hội là sân đình, tại đây người ta xây một lễ đài để làm lễ gọi là “nhà trò”, trước nhà trò trên bãi biển rộng, ở 2 đầu bãi dựng 2 cây tre có ngọn, cao chừng 4 mét, trên mỗi cây tre có treo một giỏ tre, trong khi diễn ra cuộc chơi thì 2 phe cử 2 người giữ 2 cột tre của nhau, để mỗi khi quả bòng được dồi vào thì cố lắc mạnh để quả bòng khó lọt được vào giỏ tre, nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình là xem như thắng cuộc.

Quả bòng để tổ chức hội dồi bòng được làng mua từ trong đất liền trong những ngày cuối tháng Chạp, đến ngày “trồng đu lên phướn” (ngày 24 tháng chạp) làng sẽ tổ chức lễ mở cửa đình để chuẩn bị cho các hoạt động sinh hoạt lễ hội của làng và đưa quả bòng vào đặt tại “long đình” – nơi ngự trị của thần linh trong các ngày diễn ra lễ hội đầu năm tại đình làng. Vì vậy quả bòng trong hội dồi bòng không chỉ đơn thuần là quả để tổ chức hội mà còn là “quả thiêng” của thần linh, để sau này trong hội dồi bòng ai giành được, theo quan niệm của người dân, sẽ mang lại nhiều yếu tố may mắn cho bản thân, gia đình và xóm làng.

Để tổ chức lễ hội người ta chia làm 2 phe (mỗi phe gồm 2 xóm liền kề nhau), xã An Hải có 4 xóm: xóm Tây, xóm Trung Yên làm thành một phe; xóm Trung Hoà và xóm Đông làm thành một phe, mỗi phe cử ra một đại diện gọi là “trùm phe” để tham gia cuộc chơi giành quả bòng. “Trùm phe” được trang phục như trang phục vận động viên thuyền đua và để phân biệt xóm này với xóm khác người ta làm dấu chữ thập màu đỏ và màu trắng trên tráng của các Trùm phe. Trùm phe là người được tham gia lễ tế thần lần thứ 2 tại “nhà trò” trước khi tổ chức hội dồi bòng.

Trước khi bước vào hội, trong ngày mùng 7 tháng giêng ông Cả làng làm chủ tế lễ thần linh tại đình làng theo nghi thức trang trọng với sự có mặt đầy đủ các chức sắc trong xã và đại diện thất tộc tiền hiền để tế cáo thành hoàng bổn xứ, các vị thần được thờ cúng trong xã và xin phép làm lễ “ra trò” (tổ chức trò diễn). Sau khi tế xong trong đình, hương án và long đình được rước ra “nhà trò” trước sân đình để tiếp tục làm lễ tế lần thứ hai - lễ tế này mang tính chất an vị thần linh khi di chuyển thần từ đình ra “nhà trò”. Sau khi kết thúc lễ tế và kết thúc cuộc đua thuyền trong ngày mồng 7, ông Cả làng đến trước long đình cúi lạy 3 lạy và tiến đến lấy trái bòng được thờ trong long đình bước lui ra sát sân chơi để ném. Sau 3 hồi trống hiệu, ông Cả làng giơ cao quả bòng qua đầu, mặt nhìn vào long đình và ném ngược quả bòng ra sân để các phe tranh nhau.

Trong tiếng trống giục liên hồi, tiếng reo hò cổ vũ của hàng ngàn người xem hội, cuộc giành bòng diễn ra rất quyết liệt giữa các “trùm phe” để cố giành được trái bòng, có khi do sự tranh nhau làm cho quả bòng bị vỡ, nên chẳng có đội nào giành được quả bòng trong hội năm đó. Nếu người nào giành được trái bòng thì ngay lập tức ném về đội mình để giữ lấy. Khi bòng được “trùm phe” ném ra, một cuộc tranh giành nữa cũng rất quyết liệt giữa những thành viên trong phe đã được phân chia theo xóm để cố giành và giữ cho được quả bòng và ngay lập tức thành viên phe nào bắt được quả bòng sẽ nhanh chóng mang quả bòng chạy về hướng xóm mình trong sự truy cản quyết liệt của đối phương, trong lúc đó người “trùm phe” cũng chạy đuổi theo để nhận lại quả bòng từ tay thành viên phe mình và đem ném vào giỏ tre treo trên cột tre thuộc đội mình. Nếu phe nào giành và ném được quả bòng vào giỏ tre của phe mình là xem như phe đó thắng cuộc và được làng ban thưởng.

Quả bòng được người dân gọi là quả “sanh yên” - đầu năm ăn quả sanh yên/thanh yên, với mong muốn đem lại điều yên bình trong cuộc sống, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, dân an vật thịnh, đó cũng là khát vọng muôn thuở của cư dân nông nghiệp quanh năm vất vả với ruộng đồng nhưng luôn “trông trời mưa nắng phải thì” để cuộc sống được yên bình, no ấm hơn.