+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Hội đền Đồng Bằng

Khám phá Hội đền Đồng Bằng Việt Nam

.

Nét đẹp Hội đền Đồng Bằng

Đã thành thông lệ, hàng năm đền Đồng Bằng khai hội vào ngày 20/8 (âm lịch), tại Đền Đồng Bằng xã An Lễ, Quỳnh Phụ, là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai.

Đền có sắc phong: Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Thần (vào đời Vua Hùng thứ 18). Tới thời Tiền Lê, đền được xây dựng mở rộng thành năm cung và bốn ban thờ Công Đồng khang trang và được liệt vào “Tứ cố cảnh”. Từ cuối thế kỷ 13, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng Hoàng thân Quốc thích nhà Trần trong 3 lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên 8 trang Đào Động xưa.

Hội kéo dài từ ngày 20 đến 26 tháng 8 âm lịch. Hội đền Đồng Bằng là một hội tứ phủ lớn trong vùng. Đây là dịp tập hợp lớn nhất của các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền.
Vào ngày 20 tháng 8, diễn ra các nghi lễ trong đền Đồng Bằng của hội tứ phủ. Tất nhiên, trong các ngày sau đó tại đây vẫn tiếp tục những nghi thức này, song vào ngày 20 tháng 8 sinh hoạt hội tứ phủ vương mẫu là nhộn nhịp nhất.

Sáng ngày 21 tháng 8 dân làng tiến hành rước bài vị các thần ra đình bơi. Đám rước vô cùng long trọng và uy nghi, tôn kính. Khi bài vị các thần đã dâng bày lên hương án, khói ngang nghi ngút, việc cúng lễ bắt đầu. Người ta tin rằng như vậy đức vua cha cùng các vị thần khác sẽ về ngự để xem làng đua thuyền.

Qua ngày 22 tháng 8 người ta tổ chức bơi thăm thẻ. Hội bơi kéo dài suốt mấy ngày cho đến chiều ngày 25 tháng 8 làng tổ chức lễ cất trải và trao phần thưởng cho tích nào thắng cuộc.

Ngoài tục bơi trải nổi tiếng lễ hội còn tổ chức các trò vui khác trước và sau cuộc bơi như múa lân, hát chèo, đấu vật, đánh cờ tướng.

Ngày 26 tháng 8 giã hội sau 6 ngày vui náo nức. Hội chấm dứt bằng một cuộc rước long trọng và thành kính. Đó là cuộc rước bài vị của vua và các thần hoàn cung về đền Đồng Bằng. Ngày hội kết thúc trong niềm phấn khởi và hy vọng một năm làm ăn thịnh vượng của dân làng.

Trong lễ hội ngoài phần “lễ” là các nghi lễ tế thần, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, còn phần “hội” cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như: hát văn, kéo co, bơi trải, chọi gà, cờ tướng... thu hút rất đông người dân tham gia. Đến với lễ hội, du khách không chỉ bái vọng mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng nhiều đồ tế khí có giá trị, cùng các bài vị từ thời Nguyễn, những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như: cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự... từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.