+84 983 035 435

KHÁM PHÁ VIỆT NAM

Hãy khám phá việt nam qua những địa điểm phượt vô cùng thú vị, thơ mộng và hùng vĩ.

Hội Bài chòi

Khám phá Hội Bài chòi Việt Nam

.

Nét đẹp Hội Bài chòi

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của ông cha xưa còn lại đến ngày nay ở miền Trung Việt Nam nói chung và trên mảnh đất Quảng Nam nói riêng. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng ở Quảng Nam lại rộn ràng chuẩn bị dựng chòi kê ván chuẩn bị cho Hội bài chòi.

Hội bài chòi được khai mạc từ tờ mờ sáng mồng 1 Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng... cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú. Trong khi đó, tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.

Theo các tài liệu nghiên cứu văn hóa dân gian, nếu đúng thể thức thì khi chơi bài chòi, người ta dựng 11 chiếc chòi cao từ 2 đến 3 thước, bên trái có 5 chòi và bên phải có 5 chòi, gọi là chòi con và 1 chòi ở chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Thông thường dân gian chơi bài chòi cốt để giải trí, để nghe anh hiệu gõ mõ, hô bài chòi diễn xướng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Ở đây âm nhạc là nhịp gõ, nhịp trống, kết hợp nhuần nhuyễn với lời hô hát. Lời hô mang nghĩa văn chương bình dân mộc mạc, hình mỗi con bài thì mang dáng vẻ họa tiết cách điệu theo phong cách dân gian.

Chơi bài chòi thực hiện theo mỗi chòi con (10 chòi) được phát 3 con bài, trên thân bài có tên con bài, tất cả là 30 con bài (gọi là bài nọc). Ở chòi cái có một cái ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu hội bài chòi bắt đầu, những người đánh bài chòi vào chòi con, tay cầm 3 con bài do họ tự chọn lựa ngẫu nhiên. Anh hiệu (người hô) bước ra ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài anh hiệu hô câu thai tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc, cắc, cắc hoặc xướng to lên "ăn rồi" thì anh hiệu sẽ sai ngưòi phụ việc đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô "tới" và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này trống tum, trống cán ở chòi cái đánh vang lên báo hiệu có người thắng/tới. Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu lại một hiệp/ ván cho ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên chòi chơi ván khác.

Hội bài chòi ở Quảng Nam vừa mang trong nó hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa. Chính vì thế, hội bài chòi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.